Danh sách Thập Điện Diêm Vương Thập_Điện_Diêm_vương

Mười vị vua ở địa ngục có các trách nhiệm phán xét các loại tội ác khác nhau của con người bao gồm các vị như sau:[1]

Nhất điện: Tần Quảng Vương

[Tần Quảng Vương; 秦廣王], họ [Tưởng; 蔣], chuyên điều khiển việc khỏe mạnh, ốm đau, sinh tử của trần gian và quản lý việc u minh, cát hung. Người thiện sau khi thọ mệnh được tiếp dẫn siêu sinh. Người nửa công nửa tội được đưa đến điện thứ mười xét xử, sau đó được đầu thai làm người trên thế gian: nam thì chuyển thành nữ, nữ thì chuyển thành nam. Người làm điều thiện ít, điều ác nhiều thì được áp giải đến đài cao, phía bên trái điện, gọi là "nghiệt cảnh đài", để nhìn vào đó liền thấy rõ mọi việc tốt xấu hồi còn tại thế, sau đó giải đến điện thứ hai để vào ngục chịu khổ.

Nhị điện: Sở Giang Vương

[Sở Giang Vương; 楚江王], họ [Lịch; 歷], trông coi địa ngục Hoạt Đại (có 16 tiểu địa ngục với các hình phạt như: mây đè, phân thối, bị đâm, bỏ đói, bỏ khát, nấu máu, nấu một chảo đồng, nấu nhiều chảo đồng, bỏ vô cối xay sắt, đong lường, mổ, ao tro, chặt khúc, gươm lá đâm, chó rừng, hổ, báo ăn thịt, bỏ vào ao lạnh giá...). Những ai lúc còn sống trên thế gian làm điều tổn thương đến thân thể người khác, gian dâm, sát sinh đều được đưa vào ngục này và các tiểu ngục để chịu khổ. Khi hết kỳ hạn liền được đưa đến ngục thứ ba để định đoạt tiếp hình phạt.

Tam điện: Tống Đế vương

[Tống Đế vương; 宋帝王], họ [; 余], quản Hắc Thằng Đại Địa (có 16 tiểu ngục với các hình phạt: nước mặn, bị gông xiềng, đục sườn, nạo mặt, nạo mỡ, móc gan tim, móc mắt, lột da, căng da, cưa cẳng, rút móng, hút huyết, treo ngược, sả vai, ăn giòi, đập đầu gối, mổ tim). Ai khi sống trên trần gian mà ngỗ ngược, hỗn láo với bề trên, xúi bẩy kiện tụng, gây sự bất hòa... phải vào ngục này và các tiểu ngục chịu khổ, hết kỳ hạn đưa đến điện thứ tư.

Tứ điện: Ngũ Quan Vương

[Ngũ Quan Vương; 五官王], họ [Lữ; 呂], quản địa ngục Hợp Đại (và 16 tiểu ngục với hình phạt: xiên thịt, xối nước sôi, vả sưng mặt, chặt gân xương, khứa vai lột da, khoan da thịt, chim trĩ mổ, mặc áo sắt, cây, đá dằn, khoét mắt, tro lấp miệng, đổ thuốc độc, trượt nhớt té, xâm miệng, chôn trong đá vụn...). Những ai trốn nộp tô, thuế cho nhà nước, mua gian bán lận đều bị đưa vào ngục này và các ngục nhỏ chịu khổ, hết kỳ hạn được đưa qua điện thứ năm.

Ngũ điện: Diêm La Vương

[Diêm La Vương; 閻羅王], họ [Bao; 包], vốn ngự ở điện thứ nhất nhưng vì thương người chết oan hay trả hồn về sống lại kêu oan, nên bị giáng xuống quản đại địa ngục Khiếu Hoán (tội phạm ở đây lâm vào cảnh buồn chán, đau khổ không gì bằng) và 16 chu tâm tiểu ngục. Những ai đến điện này đều được dẫn đến đài Vọng Hương để nghe và thấy tất cả những điều, những tai ương mà họ đã gây ra trên trần gian, sau đó được đưa vào địa ngục rồi vào chu tâm tiểu ngục, mổ bụng moi tim, ruột ném cho chó ăn. Hết kỳ hạn lại được đưa xuống điện thứ sáu.

Lục điện: Biện Thành Vương

[Biện Thành Vương; 卞城王], họ [Tất; 畢], quản Khiếu Hoán đại địa ngục và thành Uổng Tử và 16 tiểu địa ngục với hình phạt: quỳ chông, nhốt trong hầm phân, thiến dái, quết thịt, trâu báng, ngựa đạp, bửa sọ... Những ai khi sống trên thế gian oán trời trách đất, cứ khóc lóc, trộm cắp, đầu cơ tích trữ... đưa vào ngục này và tiểu ngục để chịu khổ hơn nữa. Hết kỳ hạn được đưa đến điện thứ bảy.

Thất điện: Thái Sơn Vương

[Thái Sơn Vương; 泰山王], họ [Đổng; 董], quản địa ngục Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm được quẳng vào vạc đồng để nấu). Ai khi sống trên trần gian đào mồ, trộm mả, lấy hài cốt để làm thuốc, rời bỏ người thân thích, đưa vào ngục này và các tiểu ngục. Hết kỳ hạn giải đến điện thứ tám.

Bát điện: Đô Thị Vương

[Đô Thị Vương; 都市王], họ [Hoàng; 黃], quản đại địa ngục Đại Nhiệt Não (có 16 tiểu ngục; tội phạm bị thiêu, bị nấu cực hình hơn). Những ai sống trên trần gian bất hiếu khiến cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ phải buồn phiền, bực tức khi chết sẽ bị ném vào ngục này và các tiểu ngục. Kẻ bất hiếu chịu hết mọi hình thức đau khổ, giải đến điện thứ mười, thay đổi hình dạng vĩnh viễn làm loài súc sinh.

Nếu ai yếu đuối không biết làm ăn gì, để rồi cha mẹ đẻ (cha mẹ vợ hoặc chồng) chết sớm khi kẻ đó còn trẻ, sẽ không phải đưa đến điện này mà đưa đến điện thứ mười, đầu thai làm người trở lại, thông minh hơn, có suy nghĩ hơn.

Cửu điện: Bình Đẳng Vương

[Bình Đẳng Vương; 平等王], họ [Lục; 陸], quản Thiết Võng A Tỳ và 16 tiểu ngục ở Thành Phong Đô. Ai sinh sống trên thế gian mà giết người, đốt nhà, bị chém nơi pháp trường đều giải đến điện này, bắt ôm cột đồng trống rỗng và trói chân tay lại, đốt lửa ống đồng cho tim gan thiêu trụi và chịu nhiều cực hình khác, sau đó lần lượt đầu thai vào những nơi kẻ đó đã làm hại, giải đến điện thứ mười.

Điện này chủ yếu trị tội những ai giết cha mẹ mà không có tôn giáo. Còn những ai có tôn giáo giết cha mẹ không được đưa vào điện này mà đưa đến Bát nhiệt địa ngục. Kẻ bị đày vào đây với tội giết cha mẹ sẽ bị khoét sọ, lấy não. Tội này cực nặng, kẻ phạm tội sẽ chịu hành hình vĩnh viễn và không được siêu sinh.

Được biết còn có kẻ khi dễ phỉ báng. Kẻ đó khi chết cũng bị đưa vào đây để mấy con quạ ăn tim gan. Được đầu thai làm người thì sẽ trở thành phế nhân, thiểu năng tuần hoàn máu.

Thập điện: Chuyển Luân Vương

[Chuyển Luân Vương; 轉輪王], họ [Tiết; 薛], chuyên nắm các điện mà giải đến nơi quỷ hồn để làm rõ thiện ác, quyết định đẳng cấp, rồi cho lên đầu thai. Nam hay nữ, sống lâu hay chết yếu, giàu sang phú quý hay nghèo hèn, lần lượt được ghi vào danh sách. Những con quỷ mà có nghiệp ác, cái thai bị lạnh đi, khiến cho nó sáng sinh ra chiều đã chết. Hết kỳ hạn trở lại làm người, đầu thai vào nơi sống rất man rợ, bẩn thỉu.

Các tội nhân sau khi chịu đủ các hình thức xử phạt ở các điện, được giải đến điện Thập điện cho đầu thai. Những ai được đầu thai đều được giao cho thần Mạnh Bà Bà đến Thù Vong Đài cho ăn cháo lú để quên hết những chuyện của kiếp trước. Nếu ai không chịu uống thì giá đao sẽ hiện lên dưới chân, quấn chặt lấy chân, bên trên dùng ống đồng đút vào trong cổ họng bắt uống một cách đau đớn khổ sở.

Những biện sự về địa ngục, Minh Vương, Thập điện Diêm Quân có phần nào mô phỏng hình ảnh quan nha trên thế gian. Các tranh vẽ, chạm khắc trên gỗ đá... miêu tả cảnh phạt tội ở địa ngục: địa ngục tăm tối, máu chảy, đầu rơi, các hình phạt kinh hồn... cốt không ngoài mục đích khuyên thiện răn ác, nhằm làm cho người đời thấy đó mà kiêng dè, thấy đó mà hướng thiện, nhắc nhở người đời phương châm đạo lý "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ". Ở góc độ hoằng pháp, các biện sự này là phương pháp răng dạy người đời.